Chảy máu mũi là bệnh gì? Nguyên nhân và cách xử lý?

Chảy máu mũi là triệu chứng mà nhiều người gặp phải, đặc biệt là ở trẻ em. Việc tìm hiểu chảy máu mũi là bệnh gì và  do những  nguyên nhân nào được nhiều người quan tâm. Cùng tìm hiểu kỹ hơn vấn đề khá quan trọng này qua bài viết sau đây.

Chảy máu mũi là bệnh gì?

Chảy máu mũi là bệnh gì là thắc mắc của nhiều người
Chảy máu mũi là bệnh gì là thắc mắc của nhiều người

Chảy máu mũi là tình trạng khi máu chảy từ mạch máu trong màng niêm mạc của mũi. Với hiện tượng này, chưa thể khẳng định chính xác chảy máu mũi là bệnh gì. Giới chuyên môn sẽ phân loại ra các tình trạng khác nhau, từ đó tìm nguyên nhân và cách chữa trị. Hiện tượng chảy máu mũi được phân loại như sau:

  • Chảy máu mũi trước do tổn thương các mạch máu nhỏ nằm ở vùng mũi trước, được gọi là điểm mạch Kisselbach. Chảy máu mũi trước thường gặp ở trẻ em và có các đặc điểm như lượng máu chảy ít, có thể tự cầm, máu chảy ra có màu đỏ tươi.
  • Chảy máu mũi sau xảy ra do tổn thương ở vùng vòm mũi họng, tổ chức V.A hoặc phía sau vách mũi. Các đặc điểm của chảy máu mũi sau bao gồm máu chảy xuống dưới họng, có thể gây kích thích ho ra máu hoặc nôn ra máu, có thể gặp ở mọi lứa tuổi.

Nguyên nhân gây chảy máu mũi 

Để có câu trả lời cho vấn đề chảy máu mũi là bệnh gì, trước hết cần xác định nguyên nhân của hiện tượng này. Khi bệnh nhân có các vấn đề và chảy máu mũi, bác sĩ sẽ thăm khám và xác định các nguyên nhân như sau: 

Nguyên nhân tại chỗ

Nguyên nhân phổ biến nhất gây chảy máu mũi là do tự phát, thường xảy ra khi khí hậu nắng nóng khô. Nhiệt độ cao làm giãn nở quá mức các mao mạch ở mũi, dẫn đến vỡ và chảy máu. Đây là lý do tại sao nhiều người bị chảy máu cam vào mùa hè. Bên canh đó, dưới đây là các nguyên nhân phổ biến. 

  • Chấn thương mũi: Thói quen móc ngoáy mũi có thể gây tổn thương điểm mạch vách ngăn, dẫn đến chảy máu hoặc viêm loét niêm mạc mũi. Dị vật hoặc chấn thương mũi cũng có thể làm tổn thương niêm mạc mũi xoang, gây chảy máu. Các chấn thương nghiêm trọng có thể làm gãy xương và tổn thương mạch máu, dẫn đến chảy máu ồ ạt.
  • Dị vật mũi: trẻ nhỏ khi chơi có thể bỏ dị vật vào mũi để quên lâu ngày gây viêm nhiễm, hơi thở hôi và chảy máu mũi một bên. Người lớn có thể chảy máu mũi sau khi tắm sông suối, đi rừng do có các sinh vật nhỏ (vắt, đĩa, côn trùng) chui vào mũi gây nên.
  • Nhiễm trùng: Khi người bệnh bị nhiễm trùng đường hô hấp trên làm tổn thương niêm mạc mũi, dẫn đến viêm và sưng tấy. Sự viêm nhiễm này làm các mạch máu nhỏ ở niêm mạc mũi trở nên yếu và dễ vỡ, dẫn đến chảy máu. Ngoài ra, những tác nhân gây nhiễm trùng như vi khuẩn, virus, hoặc nấm có thể kích thích niêm mạc mũi, làm tăng khả năng chảy máu như bệnh sốt xuất huyết, cúm, thương hàn….
  • Khối u : Mặc dù ít gặp, nhưng chảy máu do khối u vùng mũi thường đi kèm với triệu chứng khác như nghẹt mũi một bên và dịch tiết mũi nhuộm máu. Đây có thể là dấu hiệu của u xơ vòm mũi họng (đặc biệt phổ biến ở nam giới tuổi dậy thì), U mạch máu, Polyp mũi, Papiloma, U nhú đảo ngược, u ác tính vùng mũi, ung thư vòm.
  • Bất thường cấu trúc mũi: Các tình trạng như gai, vẹo hoặc thủng vách ngăn mũi có thể làm ảnh hưởng đến luồng khí vào mũi, dẫn đến khô mũi và tăng nguy cơ chảy máu.

Nguyên nhân toàn thân

Nhiều nguyên nhân dẫn đến chảy máu mũi

Đề xác định chảy máu mũi là bệnh gì, người bệnh thường được các bác sĩ hỏi về các triệu chứng của sốt xuất huyết, hemophilia, và xuất huyết giảm tiểu cầu. Vì các bệnh này có thể gây chảy máu tự phát, thường chảy máu lan tỏa hai bên. Những hành vi và hiện tượng sau đây cũng có thể gây chảy máu mũi.

  • Rối loạn đông máu: Rối loạn đông máu là một trong những nguyên nhân chính gây chảy máu mũi. Những người mắc các bệnh lý về đông máu, như bệnh hemophilia hay bệnh von Willebrand, thường có nguy cơ chảy máu mũi cao hơn do khả năng đông máu của họ bị suy giảm
  • Bệnh mạch máu: Các rối loạn mạch máu bẩm sinh như dị dạng động – tĩnh mạch (AVM) hay bệnh Rendu-Osler-Weber cũng làm suy yếu cấu trúc của các mạch máu, dẫn đến chảy máu mũi thường xuyên và khó kiểm soát. Tình trạng viêm các mạch máu, cũng gây tổn thương niêm mạc mũi và chảy máu.
  • Bệnh bạch cầu: Loại ung thư máu này cần được nghiên cứu để xác định chảy máu mũi là bệnh gì. Bệnh này làm gia tăng bất thường số lượng bạch cầu trong tủy xương và máu, gây cản trở việc sản xuất tiểu cầu – tế bào cần thiết cho quá trình đông máu. Khi số lượng tiểu cầu giảm, máu trở nên khó đông, tổn thương nhỏ ở niêm mạc mũi cũng có thể dẫn đến chảy máu kéo dài và khó kiểm soát. Bệnh bạch cầu còn làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến niêm mạc mũi dễ bị tổn thương và nhiễm trùng.
  • Tăng huyết áp: Bệnh nhân tăng huyết áp, đặc biệt khi sử dụng thuốc kháng đông, có thể bị chảy máu mũi do huyết áp cao làm vỡ mạch máu. Đây là tình huống cấp cứu thường gặp ở bệnh nhân tăng huyết áp.
  • Thiếu vitamin C và K: Thiếu vitamin C và K có thể gây chảy máu mũi. Vitamin C giúp củng cố thành mạch máu, trong khi vitamin K quan trọng cho quá trình đông máu. Cả hai vitamin đều giúp bảo vệ mạch máu và ngăn ngừa vỡ mạch gây xuất huyết.
  • Uống rượu, bia: Chất cồn trong rượu bia có thể gây bất thường trong hệ thống mạch máu ở vùng mũi xoang, làm mạch máu giãn nở quá mức và dễ bị vỡ, dẫn đến chảy máu mũi.

Nguyên nhân do thuốc

  • Các loại thuốc xịt mũi hoặc thuốc thông mũi chứa các thành phần làm khô niêm mạc mũi, gây tổn thương và dẫn đến chảy máu.
  • Thuốc chống đông máu như aspirin, warfarin, hoặc các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs) cũng làm tăng nguy cơ chảy máu mũi do giảm khả năng đông máu tự nhiên của cơ thể
  • Sử dụng thuốc theo đường hít như corticosteroids để điều trị bệnh hen suyễn hoặc viêm mũi dị ứng cũng có thể gây ra chảy máu mũi do kích ứng và làm mỏng niêm mạc mũi.

Nguyên nhân do môi trường

  • Thời tiết khô hanh, đặc biệt là trong mùa đông, làm cho niêm mạc mũi bị khô và dễ tổn thương hơn. 
  • Ngoài ra, không khí ô nhiễm chứa nhiều hóa chất và bụi bẩn có thể gây kích ứng niêm mạc mũi, dẫn đến viêm và chảy máu. 
  • Sự thay đổi đột ngột về độ ẩm và nhiệt độ cũng làm tăng nguy cơ chảy máu mũi, đặc biệt là ở những người có niêm mạc mũi nhạy cảm. 

Các dấu hiệu khi người bệnh chảy máu mũi cần gặp bác sĩ để khám kịp thời

Khi có các biểu hiện sau đây, bạn cần đến ngay phòng khám để được bác sĩ  xác định  chảy máu mũi là bệnh gì và có biện pháp chữa trị phù hợp:

  • Chảy máu mũi nhiều dẫn đến da tái nhợt, mệt mỏi hoặc cơ thể kích động.
  • Dù bạn thử nhiều cách nhưng không cầm máu được.
  • Chảy máu xảy ra sau phẫu thuật trong mũi.
  • Có xuất hiện rõ ràng các triệu chứng nặng như đau ngực
  • Sau một chấn thương nghiêm trọng vào vùng mặt.
  • Nếu bạn đang dùng các thuốc làm chậm hình thành cục máu đông như warfarin hoặc aspirin.

Các giải pháp phòng và điều trị tình trạng chảy máu mũi

Bỏ thói quen ngoáy mũi thường xuyên và quá sâu là việc đầu tiên bạn nên làm để phòng tránh việc chảy máu mũi. Việc này sẽ gây tổn thương niêm mạc dẫn đến chảy máu mũi và tăng nguy cơ viêm mũi họng. Tùy vào mức độ mà bạn có thể xử lý như sau:

  • Nếu bị nhẹ: Ngồi thẳng cổ hơi gập nhẹ, đè ép cánh mũi hai bên vào vách ngăn trong 15p. Lặp lại nước này nếu chảy mũi chưa cầm được.
  • Đến phòng khám hoặc đến bệnh viện nếu thời gian đè mũi trên 30p mà vẫn chưa cầm máu. 

Khi đến các cơ sở y tế, bạn sẽ được điều trị với các loại thuốc sau:

  • Sử dụng thuốc tại chỗ như naphazolin, xylometazoline và thuốc toàn thân như transamin để cầm máu. 
  • Sử dụng meche (bấc hoặc gạc lớn có tác dụng cầm máu), merocel, sponge ở mũi trước và mũi sau. Nên sử dụng trong vòng 48 – 72 giờ để ổn định mạch máu.
  • Đốt điểm chảy máu: Sử dụng bạc nitrate, dao điện Bipolar, thực hiện qua hướng dẫn của nội soi trực tiếp, áp dụng cho các tổn thương nhỏ, nông. Nếu các biện pháp trên không đạt hiệu quả thì tiến hành thắt một vài động mạch cung cấp máu cho mũi. Tuy nhiên các biện pháp này đều có yêu cầu kỹ thuật cao nên cần đước bác sĩ tư vấn và khám cẩn thận để quyết định có thực hiện hay không.

Kết luận

Như đã nói ở trên, sẽ rất khó xác định chảy máu mũi là bệnh gì khi chưa được bác sĩ thăm khám. Hy vọng bài viết đã cung cấp cho các bạn những thông tin hữu ích về hiện tượng này. Nếu bạn bị chảy máu mũi thường xuyên thì nên đến ngay các phòng khám tai mũi họng để được khám, theo dõi các triệu chứng và hướng dẫn chăm sóc sức khỏe đúng cách để luôn có thể trạng tốt nhất.