Viêm họng là nhóm bệnh lý thường gặp ở cả người lớn và trẻ nhỏ, gây ra nhiều sự phiền toái, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Hiện nay, viêm họng được chia thành nhiều loại khác nhau dựa trên triệu chứng và các biểu hiện của bệnh. Bài viết này, hãy cùng phòng khám Quang Hiền tìm hiểu ngay về tình trạng viêm họng mãn tính, cũng như tìm hiểu thêm viêm họng mãn tính là gì, nguyên nhân gây bệnh, các triệu chứng và cách điều trị viêm họng mãn tính hiệu quả nhé!
Viêm họng mãn tính là gì?
Viêm họng mãn tính là gì? Viêm họng mãn tính thường được định nghĩa là tình trạng viêm họng kéo dài từ 3 tháng trở lên và tái phát thường xuyên ở vùng họng và hầu. Viêm họng mãn tính thường do việc điều trị viêm họng cấp tính không dứt điểm, khiến bệnh tái đi tái lại dẫn tới mãn tính.
Nếu như, viêm họng cấp tính chủ yếu tập trung vào việc giảm các triệu chứng để bệnh tự khỏi thì viêm họng mãn tính đòi hỏi sự can thiệp sâu hơn của điều trị để giải quyết các nguyên nhân gốc và cải thiện sức khỏe tổng thể.

Viêm họng mãn tính được chia thành 4 dạng chính như sau:
- Viêm họng mãn tính xuất tiết: Đây là giai đoạn đầu của viêm họng mãn tính và biểu hiện thường thấy là niêm mạc họng sưng, tiết nhiều dịch nhầy ở trong và hơi dính vào thành họng.
- Viêm họng mãn tính sung huyết: Thường thấy họng có tình trạng niêm mạc họng sưng đỏ, có các hạt ở phía sau họng và thấy rõ các mạch máu trong họng.
- Viêm họng mãn tính quá phát: Hay còn gọi là viêm họng hạt với đặc trưng là các nang lympho xuất hiện sau thành họng, làm cho niêm mạc họng, lưỡi gà, má hầu dày và gồ lên.
- Viêm họng teo: Ở giai đoạn này, các tuyến nhầy và nang bắt đầu bị xơ hóa, các hạt sau thành họng cũng biến mất dần và niêm mạc mỏng dần, teo dần, eo họng giãn rộng, chất dịch nhầy khô dần và bán trên thành niêm mạc, đóng thành vảy.
Nguyên nhân bệnh viêm họng mãn tính
Viêm họng mãn tính có thể hình thành do nhiều nguyên nhân gây ra. Một số nguyên nhân phổ biến có thể kể đến như:
– Nhiễm trùng: Viêm họng mãn tính có thể do vi khuẩn ở vùng họng gây ra và phổ biến nhất là vi khuẩn Streptococcus. Hoặc một số trường hợp có thể do virus cúm, bạch cầu, virus sởi,…gây nên.
– Sống trong môi trường nhiều khói bụi và nhiều chất gây ô nhiễm không khí. Việc sống trong môi trường ô nhiễm cũng là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp, trong đó có cả viêm họng mãn tính và các tổn thương ở phổi..

>> Xem thêm: Viêm họng trào ngược kiêng gì và những điều cần biết
– Ảnh hưởng của một số bệnh lý hô hấp mãn tính: Bệnh viêm họng mãn tính có thể là do hệ quả của viêm amidan mạn tính, viêm xoang hoặc viêm thanh quản,…
– Trào ngược dạ dày thực quản: Đối với bệnh lý trào ngược dạ dày, dịch tiêu hóa có tính axit từ dạ dày có thể bị trào ngược lên và gây tổn thương lên vùng niêm mạc họng. Bệnh nhân sẽ gặp phải các tình trạng đau rát họng, khó nuốt và khàn tiếng.
– Ung thư vòm họng: Đây là nguyên nhân không phổ biến nhưng cực kỳ nghiêm trọng. Bệnh nhân thường có các triệu chứng như toàn thân mệt mỏi, sụt cân, chán ăn đi kèm với các triệu chứng tại chỗ như sưng cổ, khó nuốt, chảy máu vùng họng, mũi. Tình trạng này, nếu không điều trị sớm sẽ có thể đe dọa tính mạng người bệnh.
– Khói thuốc lá: Trong khói thuốc lá chứa nhiều chất độc hại sẽ gây tổn thương lên vùng niêm mạc đường hô hấp. Điều này dẫn đến tình trạng ho kéo dài và viêm họng mãn tính.
Ngoài ra, một số nguyên nhân khác có thể kể đến như tắc mũi mạn tính do vẹo vách ngăn hoặc polyp cuống mũi, người bệnh bị cơ địa dị ứng.
Triệu chứng bệnh viêm họng mãn tính
Các triệu chứng của viêm họng mãn tính thường tương tự như viêm họng cấp tính. Tuy nhiên, đối với viêm họng mãn tính, các triệu chứng thường kéo dài hơn. Một số triệu chứng của viêm họng mãn tính có thể kể đến đó là:
- Đau họng: Tình trạng này có thể kéo dài nhiều tuần, đi kèm với các biểu hiện khác như nóng, rát, ngứa, khô họng và có cảm giác vướng ở cổ họng. Triệu chứng thường xuất hiện rõ vào buổi sáng sớm.
- Nuốt khó và nuốt đau: Khi họng bị viêm, các niêm mạc vùng họng sẽ sưng đỏ dẫn đến khi đưa thức ăn vào thực quản, người bệnh sẽ thấy khó nuốt và đau khi nuốt.
- Ho nhiều ngày, ho kéo dài, có đờm dai dẳng
- Giọng nói có sự thay đổi, khàn giọng
- Ợ chua hoặc ợ hơi đối với những bệnh nhân bị trào ngược dạ dày thực quản. Hoặc cảm giác nóng rát ở vùng ngực phía sau xương ức.
Bên cạnh đó, người bệnh có thể sẽ thấy toàn thân sốt nhẹ và rất mệt mỏi khi bị viêm họng mãn tính
Phương pháp điều trị viêm họng mãn tính hiệu quả
Điều trị theo phương pháp Tây Y
Khi bị viêm họng mãn tính, nhiều người lo sợ căn bệnh này sẽ không thể điều trị và phải sống chung với “nó” suốt đời. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng, nếu được điều trị kịp thời và áp dụng các phương pháp phù hợp thì bạn hoàn toàn có thể chữa khỏi căn bệnh này. Điều quan trọng nhất trong điều trị viêm họng mãn tính đó là phải tìm được nguyên nhân gây bệnh và loại bỏ nguyên nhân này. Như vậy mới tránh được tình trạng tái phát sau này.
Điều trị viêm họng mãn tính bao gồm: Giải quyết nguyên nhân, loại bỏ yếu tố nguy cơ và giảm nhẹ triệu chứng.
Điều trị nguyên nhân
– Điều trị viêm xoang, viêm amidan: Sử dụng kháng sinh theo chỉ dẫn của bác sĩ
– Điều trị hội chứng trào ngược dạ dày: Sử dụng thuốc kháng bơm proton.
– Hạn chế với các yếu tố có thể làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh: khói thuốc lá, hơi hóa học, khói bụi,…
Điều trị triệu chứng
Sử dụng các loại thuốc để làm giảm các triệu chứng bệnh theo chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc làm lỏng chất nhầy cổ họng: Các loại thuốc có thành phần hoạt chất như bromhexin, acetylcysteine,…
- Thuốc kháng viêm: Các loại thuốc có thành phần hoạt chất như alphachymotrypsin, lysozym,…
- Thuốc chống dị ứng: Các loại thuốc kháng histamin có các hoạt chất như cetirizin, clopheniramin,…
- Thuốc giảm ho: Thuốc có thành phần thảo dược
- Rửa mũi bằng nước muối sinh lý
- Súc miệng bằng nước muối sinh lý, các dung dịch sát khuẩn chứa iod lỏng

>> Xem thêm: Thuốc điều trị viêm họng cấp ở trẻ em hiệu quả
Điều trị tại chỗ
– Điều trị viêm họng xuất tiết: Giảm tình trạng viêm họng xuất tiết bằng cách bôi thuốc, súc họng bằng các loại thuốc làm se niêm mạc, kiềm tính, giảm đau, giảm viêm như Glycerin iod, SMC,…
– Điều trị viêm họng teo: Hạn chế tình trạng bằng cách bôi thuốc, súc họng bằng các thuốc có chứa iod loãng, nước khoáng, thuốc dầu…
– Khí dung họng: Dùng máy khí dung khuếch tán thuốc xuống vùng họng. Tuy nhiên không nên lạm dụng quá vì có thể khiến bạn bị phụ thuộc thuốc và gây tổn thương phổi.
Điều trị theo mẹo dân gian
Việc chữa viêm họng mãn tính tại nhà bằng các phương pháp dân gian chỉ mang tính chất hỗ trợ, không điều trị dứt điểm được căn nguyên bệnh. Vì vậy khi sử dụng các phương pháp dân gian để chữa bệnh cũng cần phải kết hợp với các biện pháp Tây y theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo điều trị dứt điểm nguồn cơn của bệnh.
Một số mẹo dân gian bạn có thể tham khảo:
– Làm sạch miệng và cổ họng bằng nước muối: Sử dụng nước muối ấm để súc miệng mang lại tác dụng tích cực đối với sức khỏe của răng miệng cũng như vòm họng
– Mật ong và chanh: Pha mật ong với chanh (hoặc nước cốt chanh) vào một ly nước ấm. Sau đó ngậm từng muỗng hỗn hợp này và nuốt từ từ vào trong cổ họng sẽ hỗ trợ cổ họng được dịu hơn.

– Lá tía tô: Lá tía tô chứa các hoạt chất sát khuẩn như perillaldehyde. Lá tía tô thường đi kèm với lá hoa đu đủ đực và chưng cách thủy với đường phèn. Khi đau họng, bạn có thể ngậm và nuốt từ từ hỗn hợp này cũng là cách hiệu quả để làm dịu họng.
– Uống nhiều nước: Người bị viêm họng mãn tính được khuyến nghị nên uống nhiều nước hằng ngày và uống thường xuyên giúp giữ ấm và đẩy vi khuẩn ra khỏi cổ họng
Tuy nhiên, các phương pháp này chỉ là phương pháp truyền miệng dân gian, không có cơ sở khoa học nên không thể đảm bảo được tính hiệu quả khi sử dụng.
Một số biện pháp phòng ngừa bệnh viêm họng mãn tính
Bị bệnh là điều không ai mong muốn vì vậy để phòng ngừa viêm họng mãn tính, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:
– Duy trì môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát. Đeo khẩu trang mỗi khi ra đường, đặc biệt khi di chuyển đến những khu vực ô nhiễm, có nhiều khói bụi
– Không hút thuốc và tránh xa những chỗ có khói thuốc
– Đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng bằng nước ấm hoặc nước muối sinh lý mỗi buổi sáng và tối trước khi đi ngủ. Rửa tay thường xuyên bằng chất sát khuẩn, nhất là sau khi ho và hắt hơi
– Uống đủ nước (khoảng 2 – 2,5 lít hằng ngày) để giữ ẩm cho cổ họng
– Bổ sung cho cơ thể nhiều chất xơ, rau xanh, hoa quả tươi, sữa để tăng cường hệ miễn dịch.

– Xây dựng chế độ nghỉ ngơi và làm việc điều độ giúp cơ thể có thời gian phục hồi.
– Hạn chế sử dụng các chất kích thích: thuốc lá, rượu bia, trà đặc, cà phê,…
– Không nên sử dụng các thực phẩm quá lạnh hoặc quá nóng. Đồ ăn, đồ uống mới lấy ra từ tủ lạnh không nên sử dụng ngay vì sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới cổ họng.
– Tăng cường luyện tập thể dục, thể thao hàng ngày để nâng cao sức đề kháng.
– Tránh nằm máy lạnh quá lâu và để nhiệt độ quá thấp (nhiệt độ nên để khoảng 25 độ)
– Không tùy tiện sử dụng thuốc kháng viêm, kháng sinh mà không hỏi ý kiến của bác sĩ để tránh tình trạng lờn thuốc cũng như các tác dụng phụ không mong muốn.
– Điều trị bệnh lý trào ngược dạ dày nếu có
– Cần đi khám tai mũi họng khi có triệu chứng viêm họng kéo dài trên 2 tuần và không có sự tiến triển sau khi sử dụng các liệu trình thuốc.
Với những chia sẻ chi tiết trên, hy vọng phòng khám Quang Hiền đã có thể giải đáp được các thắc mắc xung quanh căn bệnh viêm họng mãn tính: viêm họng mãn tính là gì, nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả của căn bệnh này. Nếu bạn đang gặp phải các triệu chứng viêm họng kéo dài hoặc nghiêm trọng, hãy liên hệ ngay với Phòng Khám Quang Hiền qua hotline hoặc đặt lịch khám để được hỗ trợ chi tiết nhất.